Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu
16:21 - 02/11/2019
(MTNT) – Thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã tích cực trồng và phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
Phát triển rừng hiệu quả vừa bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa phương


Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) có diện tích tự nhiên khoảng 1.700 ha. Tuy nhiên, hàng năm diện tích này bị thu hẹp do sự xâm thực của sóng biển.


Do đó việc trồng cây xung quanh đảo nhằm tăng độ tán che phủ, đảm bảo chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn sóng biển; bảo vệ diện tích tự nhiên cũng như cuộc sống người dân trên đảo…


Từ năm 2010, Trạm nông lâm nghiệp huyện Phú Quý đã triển khai thực hiện đề tài “Thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trong các điều kiện khác nhau trên địa bàn huyện”.


Hiện, toàn đảo đã trồng được hơn 800 ha rừng, đạt trên 50% bao gồm rừng phòng hộ, cây phân tán, cây ăn quả…


Trạm Nông lâm nghiệp huyện đã chủ trì thực hiện đề tài thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trên địa bàn 3 xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Khu vực được chọn là các bãi cát sỏi, bãi đá huyền nham, vụn san hô ven biển.


Thời gian đầu, lãnh đạo, kỹ sư của trạm đã vào đất liền mua các loại giống cây như: Mắm biển, đước, đưng về gieo trồng ở vườn ươm; qua chăm sóc mầm cây phát triển tốt.


Trạm cũng đã mua giống, ươm trồng, cung cấp một số loại cây trồng nhiều tán xanh, chịu gió như bàng vuông, phượng vĩ, xà cừ, bạch đàn, dương, keo, xoài… cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, nhân dân trồng cây phân tán trước khuôn viên công sở, hai bên đường giao thông, vườn nhà, trên các vùng đất trống, đồi trọc, nhằm tạo cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái bền vững, đã và đang được nhiều đơn vị, người dân hưởng ứng.


Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm hoàn thành việc trồng mới 500 ha rừng, thực hiện đạt mục tiêu diện tích có rừng tập trung ở tỉnh là 95.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 25,3%.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; tập trung làm tốt việc chăm sóc, tra dặm và tổ chức nghiệm thu những diện tích rừng đã trồng xong để đưa vào quản lý và bảo vệ theo quy định.


Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi và Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển), Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lước (huyện Phú Tân), phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tận gốc.


Nhất là thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến chặt phá cây rừng và săn bắt động vật hoang dã trái phép, kết hợp với công tác tuyên tuyền giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tích cực tham gia phòng chống cháy rừng mùa khô.


Tỉnh kiên quyết không để xảy ra các điểm ''nóng'' về phá rừng; đồng thời chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở rừng phòng hộ xung yếu ven biển Tây, bảo vệ đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân nhận rừng hoặc cư ngụ phía bên trong đê bao.


Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ đã triển khai trồng rừng đạt trên 60% kế hoạch. Loài cây trồng chính là tràm bản địa, tràm úc và keo lai.


Đi đôi với công tác trồng mới rừng, các đơn vị còn thực hiện chăm sóc, tra dặm rừng được 1.685 ha, đạt trên 54% kế hoạch.


Tiến độ trồng rừng khu vực rừng đước đã hoàn thành được hơn 90% kế hoạch. Hiện các Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển) và Sào Lưới (huyện Phú Tân) đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng; chọn nguồn cây giống có chất lượng, chủ yếu là cây  đước để trồng rừng đạt hiệu quả; tiến hành tra dặm lại cây con bị chết sau khi trồng để đạt chỉ tiêu trồng rừng, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán theo kế hoạch đề ra góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.


Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường quản lý, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) cho rừng trồng.


Hướng đi này đã phát huy hiệu quả, giúp người trồng rừng đã đạt được các mục tiêu lớn là nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và bảo vệ được môi trường.


Công Đa là xã 135 của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Xã hiện có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với tổng diện tích hơn 448 ha thuộc địa bàn 11 thôn.


Rừng được cấp chứng chỉ đã giúp 124 hộ dân xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.


Gỗ đến tuổi khai thác sẽ được Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/m3.


Với những hiệu quả thiết thực, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã và đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.


Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn có gần 1.500 ha rừng của 668 hộ dân, ở 13/13 thôn trên địa bàn đã được cấp chứng chỉ FSC.


Hiện nay, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của các hộ dân trên địa bàn xã phát triển nhanh, rừng keo 5 năm tuổi phát triển tương đương với rừng keo 9 năm tuổi được trồng theo cách thông thường, sản lượng gỗ cũng tăng từ 10 – 15%.


Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn được nâng cao, đặc biệt là bảo vệ được môi trường.


Có thể thấy, công tác trồng và phát triển rừng hiệu quả vừa bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.

 
 
Duy Nghĩa
 
Nguồn:
http://daidoanket.vn/dan-toc/o-nhiem-rac-thai-nhua-tintuc444811
https://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/41569202-chung-tay-chong-o-nhiem-rac-thai-nhua.html

 
 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn